4 thg 5, 2009

Robert Kuok – người trong hậu trường

Posted on 20:36 by TranTheDat_Neu

Là người giàu nhất Đông Nam Á theo xếp hạng của tạp chí Forbes tháng 5.2008 (tài sản ước tính 10 tỉ USD), Robert Kuok – tỉ phú người Malaysia...

Là người giàu nhất Đông Nam Á theo xếp hạng của tạp chí Forbes tháng 5.2008 (tài sản ước tính 10 tỉ USD), Robert Kuok – tỉ phú người Malaysia gốc Hoa 84 tuổi được coi là một gương mặt bí ẩn vì ông rất ít xuất hiện trước báo chí
Robert Kuok

Kuok nổi tiếng trước tiên nhờ đầu cơ hàng hoá. Đến đầu thập niên 1970, Kuok có biệt danh là “Vua đường châu Á” vì có lúc Kuok kiểm soát đến 10% thị trường đường thế giới. Tài kinh doanh của Kuok đã đưa ông sang những lĩnh vực đầu tư mạo hiểm khác. Bắt đầu từ các đồn điền mía và nhà máy đường ở Malaysia – nơi Kuok độc quyền toàn bộ thị trường nội địa, ông nhảy sang dầu cọ, hoá chất, vận tải biển, bất động sản. Ông thành chủ sở hữu chuỗi khách sạn 5 sao Shangri-La với 50 khách sạn khắp Đông Nam Á, chủ trung tâm thương mại World Trade Center ở Bắc Kinh, rồi nhảy sang cả lĩnh vực truyền thông.

Càng bí ẩn càng tốt

Kuok mua luôn gần 40% cổ phần của nhật báo South China Morning Post có tiếng nói mạnh trong cả khu vực Đông Nam Á từ ông trùm truyền thông Robert Murdoch năm 1993, và sau đó thâu tóm luôn hai đài truyền hình lớn của Hong kong. Vậy mà Kuok lại rất ít xuất hiện trước báo chí. Đài truyền hình Malaysia từng làm một cú ngoạn mục khi được độc quyền phỏng vấn Kuok năm 1994, nhưng mãi hai năm sau mới được phát sóng và từ đó mọi yêu cầu tiếp xúc với Kuok đều bị từ chối.

Những người phụ tá cho Kuok tin rằng chẳng có gì sai nếu “giấu kỹ” ông già tỉ phú này. Họ nói thẳng rằng Kuok xây dựng nên đế chế của mình bằng tầm nhìn xa, ý chí ngoan cường, dám liều lĩnh và những mối quan hệ chính trị. Một gương mặt khiến công chúng chú ý là chuyện không cần thiết mà cũng không đáng ham muốn. Joanne Watkins – một trợ lý PR của Kuok – đã nói với phóng viên tạp chí Euromoney: “Càng bí ẩn càng tốt. Thiên hạ càng tò mò về ông ta”.

Những gì Kuok thể hiện trong cuộc phỏng vấn của đài truyền hình Malaysia lại trái ngược với những lời mô tả hoa mỹ hay lãng mạn trên báo chí về sự nghiệp kinh doanh của ông. Khi được cung kính hỏi về “ý thức sứ mệnh” của một đại doanh nhân, Kuok trả lời thẳng thừng: “Điều quan trọng nhất là kiếm tiền”. Thế đâu là bí quyết để lãnh đạo kinh doanh thành công? ông già đáp: “Giống thời hoàng kim của Thành Cát Tư Hãn, ta phải biết chia sẻ chiến lợi phẩm”.

Đầu tư chính trị

Chính trị hiếm khi là rào cản trong suốt sự nghiệp kinh doanh của Kuok. Ông sinh năm 1923 ở Johor Baharu nằm ngay mũi bán đảo Malaysia, chỉ cách Singapore một eo biển. Cha ông, một thương nhân di cư từ Phúc Kiến (Trung Quốc) sang Malaysia khi đó còn là thuộc địa của Anh, gởi cả ba người con trai đi học ở những trường tư của người Anh. Khi theo học đại học Raffles ở Singapore, một trong những đồng môn của Kuok là Lý Quang Diệu, thủ tướng tương lai của nước này. Việc học của Kuok bị gián đoạn khi Nhật xâm lược Singapore năm 1942, nhưng Kuok biến việc chiếm đóng này thành lợi thế cho mình bằng cách làm việc cho công ty kinh doanh Mitsubishi và học thông thạo tiếng Nhật. Sau thế chiến, Kuok sang Anh để dùi mài tiếp nghệ thuật kinh doanh.

Như một chiến lược, Kuok luôn đi theo xu hướng chính trị chính thống. Trong thập niên 1970, khi Chính phủ Malaysia thực hiện một chính sách dài hạn nhằm nâng cao thu nhập và mức sống của đa số dân sắc tộc Mã Lai cho bằng thiểu số người Hoa có thế lực, Kuok đã ủng hộ hết mình chính sách này. Các doanh nghiệp của người Hoa buộc phải nhận các đối tác người Mã Lai và bán cổ phần giảm giá cho nhiều người Mã Lai khác. Nhiều doanh nhân người Hoa ở Malaysia lúc đó chuyển tiền ra khỏi nước, nhưng Kuok lại hợp tác tích cực với chính phủ.

Khi chuyển văn phòng điều hành kinh doanh của mình sang Singapore, nơi bạn cũ Lý Quang Diệu làm thủ tướng, Kuok vẫn duy trì những quan hệ chính trị hữu hảo với chính quyền Kuala Lumpur sau khi Mahathir Mohamad lên làm thủ tướng năm 1981. Kuok làm cầu nối cho hai vị thủ tướng trái ngược tính cách này gặp nhau và góp phần quan trọng giải quyết xung đột biên giới giữa hai nước Malaysia – Singapore năm 1986.

Theo thời gian, Kuok mở rộng các mối quan hệ chính trị ra khắp Đông Nam Á. Ở Indonesia, qua đối tác kinh doanh với người giàu nhất nước này là Liem Sioe Liong, Kuok củng cố quan hệ với Tổng thống Suharto và các đời tổng thống tiếp theo. Kuok luôn gây thiện cảm với các tổng thống Indonesia vì dám đầu tư phát triển khách sạn ở Jakarta ngay cả những lúc thị trường bất động sản tuột dốc nhất. Cách đó cũng được Kuok áp dụng ở Myanmar trong khi các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng luôn tránh xa chính quyền quân sự nước này. Kuok trở thành nhà đầu tư bất động sản duy nhất và lớn nhất ở Myanmar với một khu phức hợp thương mại 22 tầng và một khách sạn Shangri-La ở các vị trí đẹp nhất ngay trung tâm thủ đô.

Ở Trung Quốc cũng thế. Khi các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi Trung Quốc sau vụ Thiên An Môn năm 1989, Kuok tiếp tục đầu tư 480 triệu USD vào trung tâm thương mại World Trade Center ở Bắc Kinh, cho dù khách sạn Shangri-La xa hoa của ông nằm giữa trung tâm này lúc đó giá chỉ có 30 USD/đêm mà không có khách. Chính điều đó đã tạo thiện cảm trong những quan hệ chính trị của Kuok với Bắc Kinh và theo sau là những lợi thế đầu tư không có tiền lệ. Giới truyền thông theo dõi những kỳ tích kinh doanh của Kuok và tán dương nào là “nhìn xa trông rộng”, nào là “canh bạc mạo hiểm”… Còn Kuok nói thẳng thừng: “Đục nước thì béo cò”.

Kẻ nghiện công việc

Với nickname “boh tong”, một nữ tiếp viên của Singapore Airlines đã kể trên blog nội bộ của hãng hàng không này một câu chuyện về tỉ phú Kuok: “Tôi từng là tiếp viên phụ trách khoang hạng nhất của một chuyến bay quốc tế có ông Kuok. Sau bữa ăn tối, ông đến chỗ tôi và xin phép được hút xì gà. Chính sách của hãng hàng không thời đó là hành khách hạng VIP có quyền hút thuốc mà không ai được phản đối. Thế mà ông Kuok lại xin phép tôi! Tôi nói: “Ông không phải xin phép đâu ạ!”. Ông trả lời rất nghiêm túc: “Nhưng cô chính là xếp của khoang máy bay này nên tôi phải xin phép cô”. Khi tôi bảo ông có thể hút xì gà, ông cám ơn tôi với một nụ cười lịch sự. Suốt đời, tôi không bao giờ quên được chuyện này”.

Có lẽ nhờ cung cách ấy mà tỉ phú Kuok đã lấy luôn trái tim của bà vợ sau Pauline – một cựu tiếp viên hàng không trẻ hơn ông 30 tuổi mà Kuok đã cưới sau khi bà vợ đầu qua đời. Ngoài ba người con đã trưởng thành của bà vợ đầu, Kuok có ba người con với bà Pauline. Không chỉ phóng khoáng trong quan điểm kinh doanh, Kuok còn đồng ý cho một người con gái của ông chuyển sang đạo Hồi và cô này sau thành vợ của Rashid Hussain, cũng là một tỉ phú của Malaysia. Nhưng đối với ông, ngay cả chuyện tiêu khiển cũng được đan cài vào lịch làm việc. Khi được bác sĩ khuyên nên đi bộ mỗi ngày 5km để giữ sức khoẻ, Kuok đeo luôn trên người một thiết bị điện tử để báo cho ông biết khi nào ông đã đi bộ đủ khoảng cách cần thiết hàng ngày ở nhà lẫn ở văn phòng.

Kuok bây giờ đã định cư ở Hong Kong an dưỡng tuổi già. Nhưng khi ông tuyên bố về hưu và giao quyền điều hành cho các con trai lớn vào năm 1993, mấy năm sau đó ông vẫn có mặt hàng ngày ở tổng văn phòng. Các con của ông khi đó thường bông đùa với bạn bè rằng thông báo về hưu của ông già có nghĩa là nửa ngày làm việc và nửa ngày để mắt theo dõi các thằng con. Như vậy ở tuổi 70, Kuok vẫn có lý do mỗi sáng đến tổng văn phòng và ở lại đến… nửa đêm.

No Response to "Robert Kuok – người trong hậu trường"

Leave A Reply

Thanks ! khi bạn nhận xét cho bài viết này !